Mùi đu đủ xanh, một bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, từng giành được nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế. Nếu như đại đa số người xem đều tâm đắc với kịch bản thì Phú Long lại ấn tượng với không gian đậm chất Indochine style (phong cách Đông Dương) của bộ phim.
Đôi nét về phim Mùi đu đủ xanh
L’Odeur de la papaye verte hay Mùi đu đủ xanh là một bộ phim Việt được quay và sản xuất tại Pháp của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đây cũng chính là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nói tiếng Việt được đề cử giải Oscar cho hạng mục phim ngoại ngữ hay nhất. Đồng thời bộ phim cũng mang về hàng loạt các giải thưởng khác nhau từ nhiều liên hoan phim lớn nhỏ.
Mùi đu đủ xanh là thước phim lãng mạn kể về cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đầu và giữa Thế kỷ 20, giai đoạn chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Nhân vật trung tâm là cô bé tên Mùi với tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Xung quanh Mùi là những người phụ nữ mà cuộc đời của họ được ví như một trái đu đủ. Mà theo cách nói của đạo diễn Trần Anh Hùng thì:
“Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, theo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật.”
Để hiểu thêm về tuyệt phẩm này bạn có thể tìm xem trên nhiều nền tảng chiếu phim tại Việt Nam và nước ngoài. Chắc chắn Mùi đu đủ xanh sẽ mang đến cho bạn nhiều cảm nhận quý báu, cũng như gợi lên hoài niệm về một Việt Nam trong quá khứ.
Những dấu ấn indochine Style trong Mùi đu đủ Xanh.
Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1950-1960, Mùi đu đủ xanh khắc họa một bối cảnh xã hội nhiều biến chuyển nhưng cũng đậm chất nghệ thuật. Phim được chia thành 2 giai đoạn, lúc cô bé Mùi 10 tuổi và khi Mùi đã 20 tuổi.
Nếu đầu phim (khi Mùi 10 tuổi) câu chuyện được kể trong bối cảnh một ngôi nhà Việt truyền thống, cho ta cảm giác trầm lắng, hoài niệm. Thì nửa còn lại của phim lại mở ra không gian hiện đại pha chút cổ điển đầy chất lãng mạn. Một sự pha trộn giữ cái cũ và cái mới, giữ Đông và Tây, tưởng chừng như không thể kết hợp nhưng lại hòa quyện vào nhau đến tuyệt vời. Đó chính là “hương vị” của Indochine Style (phong cách Đông Dương).
Màu sắc đậm nét Đông Dương.
Dấu ấn khó quên của phong cách Đông Dương (Indochine Style) trong phim Mùi đu đủ xanh có lẽ là màu sắc. Xuyên suốt phim là gam màu trầm, đặc biệt phần nội thất được điểm tô bởi các màu trung tính rất Đông Dương. Vàng nhạt, trắng, xanh pastel,… được xem là đặc trưng của phong cách nội thất này.
Đồng thời các màu sắc đến từ nội thất và vật liệu cũng mang nét rất Việt. Các sắc độ của màu nâu từ nâu nhạt của mây tre, đến nâu của gỗ thô và cả nâu đỏ của các pho tượng đồng trang trí. Đặc biệt trong phim còn có sự xuất hiện của những màu sắc nổi bật, sang trọng như đỏ đô, xanh lá… tạo nên vẻ đẹp khác lạ nhưng vẫn đậm chất Đông Dương.
Vật liệu và nội thất.
Mở đầu bộ phim đã xuất hiện những vật liệu thân thuộc với người Việt như: gỗ, tre, nứa, gạch bông… Đến giữa phim sự thân quen này lại đc kết hợp cùng bê tông, cốt thép của Tây Phương. Tạo nên không gian kiến trúc, nội thất màu sắc Đông Dương không lẫn vào đâu được. Sự kết hợp giữa sự mềm mại Á Đông và cứng cáp của Tây Phương mang lại nhiều giá trị nghệ thuật vô hình.
Trong Mùi đu đủ xanh các vật dụng nội thất đại diện cho phong cách “Việt Nam mới” giữa thế kỷ 20. Sự kết hợp giữa bàn ghế mây tre Việt Nam với hình dáng hiện đại hơn, đi cùng chiếc Piano rất Tây. Hay sự ý nhị sắp đặt một tấm bình phong Á Đông giữa căn phòng hiện đại. Những bình hoa, kệ sách, ly tách… đều là “chất xám” từ nghiên cứu tỉ mỉ về Indochine Style của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Những đường nét đặc trưng Indochine.
Không gian phim còn được điểm tô bằng hình ảnh một Việt Nam rất xưa. Với hệ thống cửa lá sách đậm dấu ấn phong kiến nằm trong một ngôi nhà được tạo tác bằng các hình khối rất Pháp. Phù điêu tượng tròn mang phong cách Đông Dương cũng được tận dụng triệt để nhằm mang đến cảm giác “Việt Nam xưa”. Đồng thời ngôi nhà trong phim còn sở hữu một mảnh vườn nhỏ luôn hiện diện trong ký ức của đại đa số người Việt.
Bạn sẽ bất ngờ khi biết không gian Indochine style đậm nét trong phim Mùi đu đủ xanh lại không hề có thật. Vì bộ phim được quay hoàn toàn tại phim trường Bry – số 2 đại lộ Europe, Bry-sur-Marne, Val-de-Marne.
Indochine style (phong cách Đông Dương), sự hòa quyện Đông Tây.
Phong cách kiến trúc nội thất Indochine là tổng hòa của kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc nội thất Pháp đầu thế kỷ 20. Hai thái cực tưởng chừng như không thể kết hợp lại cùng hòa quyện tạo nên nhiều tuyệt phẩm. Không chỉ xuất hiện trong Mùi đu đủ xanh hay những bộ phim xưa, ngày nay “Hơi thở Đồng Dương” vẫn còn ẩn hiện ít nhiều trong các công trình biệt thự cổ tại Sài Gòn, Hà Nội… Hay được nhiều người ứng dụng trong không gian gia đình.
Thoạt nhìn có phần bình dị nhưng Indochine Style lại mang nhiều đường nét sang trọng, tinh tế, đầy thu hút. Đường nét mềm mại của các chi tiết Á Đông kết hợp cùng kiến trúc nội thất Pháp cổ điển tạo nên những tuyệt phẩm nhà “sống mãi với thời gian”. Một phong cách không hề bị trộn lẫn giữa muôn vàn lựa chọn của thời đại 4.0.
Bạn nghĩ sao về phong cách Đông Dương và bộ phim Mùi đu đủ xanh? Đừng quên để lại bình luận cho Phú Long biết.
Tham khảo thêm: Khách sạn Phú Cường, tinh hoa kiến trúc tân cổ điển.